Quy chuẩn quốc gia QCVN 40: 2015/BGTVT quy định về Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ

Quy chuẩn quốc gia QCVN 40:2015/BGTVT quy định về Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ?

Quy chuẩn quốc gia QCVN 40:2015/BGTVT quy định về Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ ban hành kèm theo Thông tư 79/2015/TT-BGTVT.

Theo đó, quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật về cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị đối với Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ.

Quy chuẩn này áp dụng đối với tổ chức và cá nhân liên quan đến xây dựng, cung cấp thiết bị và quản lý hoạt động của Trung tâm.

Yêu cầu chung về cơ sở vật chất đối với Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ ra sao?

Tại Quy chuẩn quốc gia QCVN 40:2015/BGTVT quy định yêu cầu chung về cơ sở vật chất đối với Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ như sau:

– Trung tâm phải có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu sát hạch lái xe theo nội dung và quy trình sát hạch lái xe được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành, được đặt ở nơi có đường giao thông thuận tiện, có điều kiện về cung cấp điện, nước, thoát nước, thông tin liên lạc, không bị nhiễu loạn điện từ ảnh hưởng đến các thiết bị báo lỗi và chấm điểm lắp đặt tại Trung tâm.

– Trung tâm loại 1 có diện tích không nhỏ hơn 35.000 m2, có đủ các hạng mục công trình cơ bản như: sân sát hạch, nhà điều hành và các công trình phụ trợ, có quãng đường xe chạy trong sân sát hạch không nhỏ hơn 1,2 km, có kích thước phù hợp để bố trí đủ các bãi sát hạch lái xe.

– Trung tâm loại 2 có diện tích không nhỏ hơn 20.000 m2, có đủ các hạng mục công trình cơ bản như: sân sát hạch, nhà điều hành và các công trình phụ trợ, có quãng đường xe chạy trong sân sát hạch không nhỏ hơn 0,8 km, có kích thước phù hợp để bố trí đủ các bài sát hạch lái xe.

– Trung tâm loại 3 có diện tích không nhỏ hơn 4.000 m2, có đủ các hạng mục công trình cơ bản như: sân sát hạch, nhà điều hành và các công trình phụ trợ, có kích thước phù hợp để bố trí đủ các bài sát hạch lái xe.

– Trung tâm phải có đủ phương tiện, thiết bị, lực lượng lao động thu gom, lưu giữ rác thải sinh hoạt theo quy định; trồng cây xanh xung quanh sân sát hạch hoặc có biện pháp giảm thiểu ảnh hưởng của tiếng ồn, bụi và khí xả từ xe cơ giới dùng để sát hạch; niêm yết quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường ở nơi công cộng.

– Trung tâm phải xây dựng, lắp đặt và duy trì tình trạng kỹ thuật của hệ thống chống sét và các trang thiết bị phòng, chống cháy nổ theo quy định, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận đảm bảo an toàn.

– Trung tâm phải trang bị máy phát điện dự phòng có thể tự động phát điện trong khoảng thời gian không quá 10 phút, kể từ khi mất nguồn điện lưới với công suất tối thiểu 10 kVA đối với Trung tâm loại 3 và 20 kVA đối với Trung tâm loại 1 hoặc loại 2.

– Trung tâm phải trang bị các thiết bị hỗ trợ sau:

+ Bộ đàm thông tin nội bộ: tối thiểu 02 bộ đối với Trung tâm loại 3 và 04 bộ đối với Trung tâm loại 1 hoặc loại 2.

+ Hệ thống âm thanh: tối thiểu 01 bộ loa phóng thanh để thông báo công khai kết quả, lỗi trừ điểm của người dự sát hạch.

+ Hệ thống màn hình hiển thị đối với Trung tâm loại 3: có ít nhất 03 màn hình loại 32 inch trở lên tại phòng chờ sát hạch để công khai quá trình giám sát phòng sát hạch lý thuyết, kết quả sát hạch lý thuyết, kết quả sát hạch lái xe trong hình.

+ Hệ thống màn hình hiển thị đối với Trung tâm loại 1 hoặc loại 2: có ít nhất 05 màn hình loại 32 inch trở lên, trong đó, phải bố trí 01 màn hình tại phòng Hội đồng sát hạch để giám sát phòng sát hạch lý thuyết, 04 màn hình tại phòng chờ sát hạch để hiển thị kết quả sát hạch lý thuyết, kết quả sát hạch lái xe trong hình, kết quả sát hạch lái xe trên đường và giám sát phòng sát hạch lý thuyết.

+ Camera lắp tại phòng sát hạch lý thuyết, có số điểm ảnh tối thiểu 0,3 mega pixels, độ phân dải tối thiểu 320×240, định dạng hình ảnh JPEG, tiêu cự tối thiểu 2,8 mm, góc quan sát tối thiểu 90°, độ sáng tối thiểu 5 Lux, tầm nhìn trong đêm tối thiểu 3 m, có nối với màn hình hiển thị và thiết bị lưu trữ hình ảnh tối thiểu 40 giờ.

– Đoạn đường sát hạch lái xe trên đường giao thông công cộng, có độ dài tối thiểu 02 km, có các tình huống như: đường giao nhau đồng mức, đường bị hẹp, có chỗ được phép quay đầu xe, có mật độ giao thông trung bình.

Trách nhiệm của đơn vị sản xuất, lắp đặt, nhập khẩu thiết bị sát hạch lái xe theo QCVN 40:2015/BGTVT là gì?

Tại Quy chuẩn quốc gia QCVN 40:2015/BGTVT có đề cập về trách nhiệm của đơn vị sản xuất, lắp đặt, nhập khẩu thiết bị sát hạch lái xe như sau:

Đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực để duy trì chất lượng sản phẩm dịch vụ cung cấp, lắp đặt thiết bị sát hạch cho khách hàng theo đúng quy định liên quan của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cụ thể:

– Cung cấp dịch vụ, bảo hành sản phẩm, chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm và đảm bảo việc vận hành, bảo trì thiết bị sát hạch lắp trên xe ô tô trong thời hạn bảo hành sản phẩm;

– Trang thiết bị, phương tiện đo lường dùng trong sản xuất, kiểm soát chất lượng thiết bị sát hạch phải được hiệu chuẩn định kỳ theo quy định về đo lường, hiệu chuẩn thiết bị đo;

– Đơn vị sản xuất, lắp ráp phải ban hành quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm, đảm bảo phù hợp với từng công đoạn gia công, lắp ráp thực tế;

– Đơn vị sản xuất, lắp ráp phải lưu trữ hồ sơ về nguồn gốc nhập khẩu hoặc mua trong nước các linh kiện chính của thiết bị sát hạch (chíp vi xử lý, module GPS, module GSM, bộ nhớ dữ liệu);

– Đơn vị nhập khẩu phải lưu trữ hồ sơ khai báo hải quan về nguồn gốc của thiết bị sát hạch nhập khẩu; hợp đồng, địa chỉ của đơn vị sản xuất, lắp ráp thiết bị sát hạch ở nước ngoài đối với từng lô thiết bị sát hạch nhập khẩu;

– Đơn vị sản xuất, lắp ráp phải có ít nhất 01 nhân sự cho từng vị trí công việc liên quan (hoặc hợp đồng gia công các bộ phận) như: thiết kế phần cứng, phần mềm, dịch vụ bảo hành, dịch vụ chăm sóc khách hàng (hợp đồng lao động, chứng chỉ, bằng cấp đào tạo phù hợp với vị trí công việc);

– Đảm bảo các điều kiện về truyền dẫn dữ liệu từ máy chủ kết nối thiết bị sát hạch lái xe trên đường về Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải (Sở trực tiếp quản lý hoạt động của Trung tâm sát hạch) theo quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị sát hạch lái xe trên đường;

– Báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam bằng văn bản trước mỗi lần cập nhật, thay đổi phần mềm của hệ thống thiết bị chấm điểm khi kiểm tra, kiểm chuẩn và cho phép kiểm tra lại khi có yêu cầu. Phần mềm thay đổi ghi trên đĩa CD hoặc USB được đơn vị sản xuất, nhập khẩu thiết bị niêm phong và gửi kèm theo văn bản báo cáo;

– Tuân thủ quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *